PHÒNG BỆNH TÔM NUÔI CUỐI NĂM 2014 HCBT
Ngày 19-8-2014, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Công văn số 3492 về thời gian tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014 và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm biển thả nuôi vụ 2 vẫn còn xảy ra tại một số xã, tập trung ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để hạn chế dịch bệnh, ngày 3-10-2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã có Công văn số 2291 về việc khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh tôm nuôi. Theo đó, người nuôi tôm phải chấp hành nghiêm lịch tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014 của UBND tỉnh đã ban hành.
Trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm, phải diệt tạp, sát trùng nước trong ao lắng bằng Chlorine với liều lượng 30-35ppm (30-35kg/1.000m3), trước khi cấp vào ao nuôi để thay nước.
Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, giảm từ 15-20% lượng thức ăn.
Thức ăn phải đảm bảo đủ chất lượng, số lượng khi cho tôm ăn, không cho ăn thừa. Không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc. Khẩu phần ăn cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Giảm cho tôm ăn khi nhiệt độ dưới 26oC hay trên 30oC.
Bố trí quạt nước hợp lý ở mức 15-20 cánh quạt/1.000m2, không để nước đứng yên quá lâu, luôn đảm bảo oxy hòa tan trong các tầng nước ao (cần duy trì hàm lượng oxy hòa tan lớn hơn 4ppm); duy trì nước ao nuôi tôm từ 1,2m-1,5m.
Đối với các ao nuôi trong điều kiện độ mặn thấp, cần phải bổ sung khoáng chất nhằm cân bằng lượng khoáng chất trong ao.
Áp dụng mô hình nuôi tôm sử dụng vi sinh có lợi nhằm ổn định màu nước, độ pH, hạn chế dịch bệnh. Chú ý sử dụng chế phẩm vi sinh, cần sử dụng đúng cách, chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng. Sản phẩm nằm trong danh mục được cho phép lưu hành tại Việt Nam.
Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH (kiểm tra 2 lần/ngày vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần); NH3, H2, Oxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần) cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất. Đặc biệt, là mật độ tảo (màu nước) cần giữ ổn định trong suốt thời gian nuôi.
Định kỳ chài, cân và kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm (từ 7-10 ngày/lần) để có điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là thức ăn.
Hạn chế sử dụng kháng sinh, nhất là kháng sinh Oxytetracylin để phòng bệnh tôm. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh nhạy với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus sau khi có kết quả lập kháng sinh đồ và sử dụng đúng liều hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phải ngưng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch 4 tuần.
Khi tôm nuôi có dấu hiệu ăn giảm, tăng trưởng chậm lại hoặc hàm lượng oxy hòa tan thấp, cần thu hoạch từng phần hoặc thu hoạch toàn bộ nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, diễn biến thời tiết và quan trắc môi trường khu vực nuôi.
Chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng dịch, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra. Tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý.
Lưu ý, người dân không thả nuôi tôm biển liên tục nhiều vụ/năm, cần dành nhiều thời gian để ngưng vụ nuôi và chuẩn bị ao nuôi thật kỹ cho vụ nuôi chính vào đầu năm 2015.
CCN, Báo Đồng khởi, 10/10/2014
>>Tham khảo: Một số sản phẩm xử lý nước và các men vi sinh giúp cho tôm phát triển